Năm nay cả nước có 164 vụ ngộ độc thực phẩm, 33 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2011, số vụ xảy ra tại bếp ăn tập thể giảm, tuy nhiên số vụ tại gia đình có xu hướng tăng.
Thông tin do Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cung cấp tại buổi họp ngày 17/12.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, nguyên nhân của thực trạng này là do nhiều người dân nước ta vẫn có thói quen nấu cỗ từ hôm trước, đến tối hôm sau vẫn dùng. Nguy cơ từ chính bản thân thực phẩm biến chất gây ngộ độc.
“Vừa rồi xảy ra rất nhiều vụ ngộ độc tại các bữa cỗ gia đình. Có trường hợp mua ruợu không rõ nguồn gốc về uống gây ngộ độc, thậm chí tử vong. Bên cạnh đó, nhiều người vẫn chưa từ bỏ những thói quen ăn uống tiềm ẩn nguy cơ như ăn tiết canh, ăn gỏi cá, thực phẩm ôi thiu, mốc hỏng…”, ông Phong nói.
Cũng theo ông, tiêu dùng thực phẩm trong dịp Tết sắp tới mạnh nên số vụ ngộ độc thực phẩm có thể tăng cao. Các cơ sở tăng sản xuất, nhiều cơ sở nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, sản xuất theo mùa vụ cũng bắt đầu quy trình vận hành, chưa kể hàng nhập lâu, hàng không rõ nguồn gốc…
Ngoài ra yếu tố thời tiết cũng ảnh huởng đến công tác chế biến, bảo quản thực phẩm. Như miền Bắc, thời tiết ẩm, mưa phùn, các loại hạt có dầu như hạt hướng dương, đậu tương, các loại hạt làm mứt dễ bị ẩm mốc, sinh ra độc tố aflatoxin, ảnh hưởng chức năng gan. Trong khi miền Nam lại nắng nóng cao điểm, không bảo quản tốt thực phẩm dễ bị hỏng. Vào Tết, các gia đình lại có thói quen tích trữ quá nhiều thực phẩm.
Vì thế, để đảm bảo an toàn thực phẩm trong ngày Tết, sắp tới Cục sẽ phối hợp thành lập 8 đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra, lấy mẫu tập trung vào các sản phẩm tiêu thụ nhiều. Tại mỗi địa phương, các tổ liên ngành về thực phẩm cũng sẽ tổ chức các đợt kiểm tra lấy mẫu hàng Tết
Theo Phương Trang – VnExpress
Thông tin Dropbiz