Bài viết phân tích thực trạng cũng như nêu bật những thách thức đối với dịch vụ e-logistics trong thị trường thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam sau đại dịch COVID-19. Từ đó, bài viết đã đề xuất những giải pháp thiết thực và phù hợp hơn để thúc đẩy quá trình phát triển dịch vụ e-logistics tại Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Theo Nguyen Xuan Quyet (2020): “e-logistics có thể hiểu là sự kết hợp của hệ thống logistics với hệ thống TMĐT (E-commerce) để hỗ trợ việc di chuyển hàng hóa từ nơi cung ứng đến nơi tiêu dùng một cách có hiệu quả nhất”. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, e-logistics được hiểu và sử dụng như là logistics điện tử (electric-logistics), một loại hình logistics công nghệ chuyển đổi số để phục vụ ngành TMĐT (D.T. Phương, 2020).
Giai đoạn 2010-2015 có thể coi là thời kỳ đầu của TMĐT Việt Nam. Trong giai đoạn này, các đơn vị kinh doanh TMĐT gặp nhiều khó khăn bởi người tiêu dùng Việt Nam chưa quen với việc mua sắm trực tuyến. Trong khi đó, dịch vụ logistics giai đoạn này mới chỉ đảm bảo quá trình tiếp nhận và giao hàng theo phương pháp bán thủ công, nên dịch vụ logistics vẫn theo hướng truyền thống là chủ yếu.
Logistics tại Việt Nam bùng nổ vào giai đoạn 2015-2021, TMĐT dần trở thành kênh tiêu dùng, mua sắm phổ biến của giới trẻ khi tỷ lệ sử dụng internet và các thiết bị điện tử lên đến 70% dân số toàn quốc. Sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cùng với sự đầu tư của các doanh nghiệp viễn thông trong hạ tầng mạng, các doanh nghiệp dần đầu tư vào nền tảng website và các ứng dụng công nghệ kết nối dạng nền tảng (platform) tạo nên một thị trường mua sắm đa dạng và phong phú hơn, tạo ra trải nghiệm mua sắm tốt hơn cho người tiêu dùng trực tuyến (online shoppers). Từ đó, thúc đẩy dịch vụ logistics phát triển mạnh, nhằm đáp ứng xu hướng phát triển của TMĐT, kết quả là dịch vụ e-logistics ra đời (Nguyễn Xuân Quyết, 2019).
Tuy nhiên, với sự tác động của đại dịch COVID-19, từ cuối năm 2019 – đầu năm 2020, cùng với các lệnh giãn cách xã hội của Chính phủ các nước đã làm tăng tỷ lệ người dùng internet và nhu cầu mua sắm trực tuyến trên các nền tảng như website, các sàn TMĐT, các platform và các ứng dụng trên điện thoại tăng mạnh, lên 88% trong năm 2020 (BCT, 2021). Điều này đã giúp ngành TMĐT chiếm được nhiều lợi thế hơn thương mại truyền thống về chi phí như mặt bằng bán hàng và chi phí nhân sự, góp phần đưa dịch vụ e-logistics trở nên cần thiết và thậm chí đã quá tải trong mùa dịch (Hoàng Thị Hòa, 2021).
2. Thực trạng e-logistic tại Việt Nam và tác động của đại dịch Covid-19 đến TMĐT và e-logotics tại Việt Nam
2.1. Thực trạng e-logistic tại Việt Nam
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2020, các doanh nghiệp logistics cung ứng khoảng 17 dịch vị logistics khác nhau, trong đó chủ yếu là giao nhận, vận tải, kho bãi, chuyển phát nhanh, khai báo hải quan. Có khoảng 60% doanh nghiệp logistic sử dụng các ứng dụng công nghệ khác nhau tùy vào tính chất và quy mô dịch vụ mà doanh nghiệp cung ứng.
Hiện, thị trường logisitic tại Việt Nam ứng dụng công nghệ vào 4 lĩnh vực chính, gồm: (1) Các ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực vận tải đường bộ nhằm tối ưu hóa năng lực phương tiện, hoạch định và kiểm soát tuyến đường, lịch trình, thời gian, nâng cao tỷ lệ đầy xe hàng (Ví dụ: Grab, Be, Gojek,…); (2) Các giải pháp tự động hóa kho hàng thương mại điện tử, giao hàng chặng cuối và chuyển phát nhanh (Ví dụ: Shopee, Lazada, Tiki,…); (3) Các hệ thống điều hành kết hợp tự động hóa sản xuất với các nguyên tắc sản xuất tinh gọn, hoạt động rất hiệu quả (ví dụ: nhà máy sản xuất của Samsung đưa robot vào quá trình đưa linh kiện, bán thành phẩm, thành phẩm trong sản xuất và kiểm kê hàng bằng drone (một loại phương tiện bay không người lái); (4) Một số nhà bán lẻ trong nước triển khai ứng dụng kết hợp giữa hệ thống thông tin – tự động hóa – trí tuệ nhân tạo trong quản lý chuỗi cung ứng từ khâu thu mua tới khâu phân phối và đến người tiêu dùng cuối cùng.
Thực tế hiện nay, ngành Logistics Việt Nam đang tồn tại 2 mô hình trung tâm điển hình về ứng dụng công nghệ, đó là: (1) Trung tâm Logistics, cảng cạn quốc tế ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và kết nối công nghệ 4.0; (2) Trung tâm logistics phục vụ nông nghiệp. Cụ thể như sau:
– Năm 2016, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã phát triển hệ thống cảng điện tử (e-Port) nhằm cung cấp công cụ cho khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán trực tuyến qua thẻ thanh toán nội địa (ATM) cá nhân và tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp (internet banking), phát hành hóa đơn điện tử, đồng thời triển khai lệnh giao hàng điện tử (eDO) với các hãng tàu. Từ đó, giúp khách hàng chủ động khai báo thông tin giao nhận đối với các lô hàng và kết nối thanh toán trực tuyến một cách linh hoạt với các hệ thống ngân hàng; đồng thời giúp khách hàng và hãng tàu giảm được các công đoạn di chuyển, nhận chứng từ, quản lý giấy tờ thủ công; điện tử hóa quy trình làm việc; giảm ách tắc giao thông khi sản lượng hàng hóa giao nhận tăng cao; tiết kiệm chi phí cho chủ hàng, hãng tàu và cảng.
– Năm 2018, Công ty TNHH Công nghệ Logivan đã kết nối hơn 22.000 đối tác vận tải, 10.000 chủ hàng đăng ký trên hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thuật toán so khớp xe tải và giá cả nhằm tối ưu hóa việc sử dụng các xe tải trống.
– Năm 2019, Tập đoàn T&T Group quyết định hợp tác với Tập đoàn YCH (Singapore) đầu tư phát triển Trung tâm Logistics và cảng cạn quốc tế ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và kết nối công nghệ 4.0 tại Việt Nam. Điều này nhằm cung cấp toàn bộ giải pháp chuỗi cung ứng cho khách hàng, doanh nghiệp có nhà máy sản xuất tại Việt Nam, cung cấp giải pháp toàn diện cho tất cả các khâu, giúp cho các công việc tại cảng cạn trở nên hiệu quả hơn trong quá trình vận hành. Đặc biệt, Trung tâm còn sử dụng công nghệ 4.0 tích hợp vào chuỗi cung ứng để tự động hóa toàn bộ quy trình hoạt động (gồm thiết bị bay không người lái và AGV – xe tự động không người lái).
– Năm 2019, Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) đã đầu tư phát triển Chu Lai Logistic – Trung tâm dịch vụ Logistics hàng đầu miền Trung nhằm từng bước hoàn thiện toàn bộ hệ thống kinh doanh theo định hướng mô hình giao nhận – vận chuyển thông minh đảm bảo đồng bộ với hệ thống quản trị số hóa của sản xuất – kinh doanh ô tô, thương mại điện tử, phù hợp với xu thế công nghệ mới; cung cấp dịch vụ logistics trọn gói với giải pháp tối ưu, chi phí hợp lý cho khách hàng. Mục tiêu của Chu Lai Logistic là dần hoàn thiện chuỗi giá trị xuyên suốt để phát triển vùng trồng nguyên liệu cho khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Lào và Campuchia, phát triển dịch vụ vận tải nông nghiệp và hàng lạnh, trước mắt là logistics chuyên dụng phục vụ xuất khẩu trái cây.
Trước sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ngành Logistic Việt Nam cũng đang từng bước áp dụng blockchain trong hoạt động logistics và chuỗi cung ứng. Lựa chọn công nghệ blockchain sẽ giúp logistic Việt Nam dễ dàng kết hợp với nguồn Big data và công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI), từ đó nâng cao độ bảo mật của thông tin, tăng tốc độ các giao dịch. Ví dụ: Công ty FPT đưa ra giải pháp Akachain áp dụng blockchain, nhằm truy xuất nguồn gốc hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy vậy, hiện nay, ngành E-logistic Việt Nam còn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Bởi mức độ ứng dụng công nghệ của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn ở mức độ thấp, quy mô doanh nghiệp còn nhỏ và vừa, cùng sự hạn chế về khả năng tài chính của doanh nghiệp, do đó gặp nhiều rào cản trong chuyển đổi số. Sự hạn chế về tài chính còn khiến các doanh nghiệp logistics gặp nhiều khó khăn về đầu tư hệ thống kho bãi để quản trị lưu kho và dự trữ hàng hóa.
Ngoài ra, nguồn nhân lực phục vụ trong ngành Logistic Việt Nam tuy trẻ nhưng số lượng còn ít, trình độ chuyên môn sâu còn yếu, kinh nghiệm làm việc chưa có, đặc biệt là sự hạn chế về khả năng ngoại ngữ đã khiến việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động gặp khó khăn.
2.2. Những tác động của đại dịch COVID-19 đến e-logotics trong TMĐT tại Việt Nam
Đại dịch COVID-19 đã làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có hoạt động logistics. Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, năm 2020, nhiều doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ của Việt Nam nằm bên bờ vực phá sản, nhiều lao động bị giảm bớt khối lượng công việc hoặc mất việc.
Về dịch vụ vận tải: Tình trạng suy giảm trong hoạt động thương mại trên thế giới và Việt Nam đã khiến các đơn hàng cần vận chuyển giảm sút, tình trạng dịch bệnh cũng khiến số lượng nhân viên vận chuyển thiếu hụt do phải cách ly hoặc phải đổi người vì dịch bệnh, hay lệnh giãn cách xã hội, các quy định hạn chế và cách ly đối với người nhập cảnh tại các nước gây ra khó khăn, làm tăng chi phí logistic.
Về dịch vụ giao nhận: Các hoạt động logistics giảm do dịch vụ thông quan bị cản trở, dịch vụ kho bãi, cước cũng bị ảnh hưởng nặng. Hầu hết hàng nhập trên các tuyến về Việt Nam giảm mạnh, một số thị trường khác bị kiểm dịch gắt gao. Các thủ tục vận hành từ thị trường khu vực châu Á và một số khu vực khác chậm trễ hơn so với bình thường.
Về hoạt động đào tạo nguồn nhân lực: Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến toàn bộ thị trường lao động, đặc biệt lao động trong ngành Logistics. Nguy cơ hàng loạt doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Logistics bị phá sản cũng như sự gãy đổ, thay đổi và gián đoạn của các chuỗi cung ứng đã ảnh hưởng nặng nề đến cục diện của thị trường lao động (Ninh et al., 2020).
Lệnh giãn cách xã hội tại hầu hết các nước trên thế giới đã buộc các cửa hàng bán lẻ, trung tâm thương mại phải đóng cửa, các hệ thống phân phối và chuỗi cung ứng logistics bị giảm sản lượng, quy mô và hình thức hoạt động thay đổi dẫn đến việc hàng triệu lao động có nguy cơ bị mất việc, nhiều kỹ năng mới phát sinh buộc người lao động phải đẩy mạnh học tập để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong việc thay đổi theo hình thức và quy mô kinh doanh mới.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn loay hoay với việc chuyển đổi và thích ứng với hình thức đào tạo mới, việc hợp tác với doanh nghiệp tạm thời bị gián đoạn dẫn đến việc nắm bắt nhu cầu về các kỹ năng, năng lực mới từ thị trường lao động rất hạn chế. Các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đã không kịp thời xây dựng được chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung kỹ năng cho người lao động trong bối cảnh dịch bệnh.
3. Những thách thức cho dịch vụ e-logistics trong TMĐT hiện nay
Từ những sự thay đổi và phát triển nhanh chóng của TMĐT dẫn tới sự thay đổi và phát triển những chuỗi dịch vụ e-logistics nhằm phục vụ tối ưu hơn cho nhu cầu bán hàng và mua sắm, cùng với những dịch vụ đi kèm gia tăng giá trị trên các nền tảng ứng dụng. Người tiêu dùng ngày càng thông minh hơn và đòi hỏi được giao hàng nhanh hơn, an toàn hơn, tiết kiệm hơn và dịch vụ tốt hơn, đặc biệt là trong giai đoạn bình thường mới (Lê Sáng, 2021). Có nhiều thách thức mới và khó hơn cho e-logistics, hay thậm chí là chuỗi cung ứng của Việt Nam khi có tới 82% số lượng công ty bị ảnh hưởng tiêu cực bới dịch bệnh và chưa có sự chuẩn bị tốt (Minh Ngoc Do, Nguyen Thi Dung và Tran The Tuan 2021).
Theo Nguyễn Hoàng Tiến (2020): “Tác động từ dịch COVID-19 còn tạo ra nhận thức mới, xu hướng chuyển dịch trong thị hiếu tiêu dùng, giao dịch thương mại mới trên nguyên tắc từ xa, hạn chế tiếp xúc; xuất hiện các ngành nghề kinh doanh trực tuyến mới dựa trên kinh tế số,… tạo ra thay đổi về cầu đối với một số sản phẩm, dịch vụ thiết yếu như chế biến thực phẩm; y tế, hóa dược phẩm, chuyển đổi số, e-logistics,…”. Như vậy, ngoài sự tiện ích của hệ thống e-logistics thì khâu giao hàng cuối cùng (last-mile deliver) cũng phải được an toàn hóa trong xu thế phòng chống dịch, để đảm bảo việc tiếp xúc giữa người giao và người nhận hàng không lây nhiễm COVID-19 mà vẫn duy trì được tốc độ và chất lượng dịch vụ giao hàng.
Nhu cầu mua sắm trên TMĐT ngày càng cao và người tiêu dùng đã sẵn sàng tiếp cận nhiều kênh mua sắm hơn, từ những nguồn hàng nhỏ lẻ trên mạng xã hội cho tới các đơn vị công ty thương mại, thậm chí là các nhà sản xuất trong nước trực tiếp tham gia bán hàng TMĐT cho tới những nguồn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc hay Mỹ và châu Âu (Pham Nguyen My Linh và Nguyen thi Thu Huong, 2020). Xu hướng này tạo nên một sự bùng nổ về TMĐT và kéo theo nhiều các đơn vị e-logistics khởi nghiệp với nhiều loại quy mô khác nhau.
Không chỉ cạnh tranh trong nước với những đơn vị cung cấp giải pháp của Việt Nam, e-logistics trong nước còn phải cạnh tranh với các đơn vị e-logistics nước ngoài do thiếu vốn và nhân lực (Nguyễn Xuân Quyết và Trần Thị Ngọc Lan, 202). Ngoài ra, những giải pháp e-logistics trong nước còn nhiều hạn chế về mặt công nghệ và bảo mật thông tin hay bảo mật thanh toán (Dinh Tuan Hai, Nguyen Xuan Quyet và Vo Thi Dieu Hien, 2021). Bên cạnh đó, giải pháp công nghệ xử lý nghiệp vụ sau giao hàng như đổi trả, thu hổi, xử lý hàng (reverse e-logistics) cũng chưa được tổ chức, xây dựng và kiểm soát tốt (Nguyen Hoang Phuong. 2019) cũng tạo ra thách thức cho các đơn vị e-logistics khi chưa đáp ứng được chất lượng dịch vụ thu hồi, đổi trả hàng lỗi hay đổi trả sản phẩm bảo hành.
Một thách thức đối với các đơn vị xây dựng và phát triển hệ thống e-logistics là công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật hay chuyển đổi số toàn diện còn trong trạng thái cơ bản, trình độ thấp nên chưa cắt giảm được công đoạn thủ công, chưa giảm được đáng kể số lượng nhân sự không cần thiết và chưa giảm được chi phí vận hành cũng như chưa đảm bảo được chất lượng dịch vụ (Tuệ Mỹ, 2021).
Cuối cùng là những thách thức khác như hạ tầng khung pháp lý cho e-logistics và TMĐT tại Việt Nam còn rất rộng và bao trùm nhiều khía cạnh quản trị (Nguyễn Xuân Quyết và Trần Thị Ngọc Lan, 2019). Những giải pháp marketing cho loại hình dịch vụ, kể cả dịch vụ e-logistics hiện nay cũng cần được tìm hiểu và nghiên cứu thêm nữa để đề ra chiến lược marketing phù hợp mới cho thời kì hậu COVID (Nguyen Hoang Tien, 2020).
Ngoài ra, vấn đề thanh toán sao cho an toàn, bảo mật thông tin và thỏa mãn nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, như: thanh toán qua thẻ ngân hàng, thanh toán qua ví điện tử như Momo hay Vnpay và giao hàng thu tiền hộ (ship COD) (Ngô Tấn Vũ Khanh, 2021) để đảm bảo người mua kiểm tra hàng đúng như mong muốn mới tiến hành thanh toán cho đơn vị logistics theo kiểu thu chi hộ.
4. Một số giải pháp phát triển e-logistics cho TMĐT hậu COVID-19
Giai đoạn đầu của TMĐT ở Việt Nam (2012 – 2015), những đơn vị này đa phần tự tổ chức công tác lưu kho, soạn hàng, đóng gói và giao hàng, nhưng giải pháp này tiêu hao nhân lực và tạo ra chi phí không hề nhỏ. Chính vì vậy, những đơn vị chuyên dịch vụ logistics thông minh ra đời, như: Lazada Express, Shopee Express, Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm, Ninja, Viettel Post, J&T,… để giúp các đơn vị kinh doanh TMĐT thực hiện các dịch vụ trên.
Họ phát triển các hệ thống phần mềm thông minh (smart logistics) để có thể tiếp nhận và xử lý đơn hàng sao cho nhanh nhất và phân bổ đơn hàng được giao nhận sớm nhất. Hiện những giải pháp này được xem là tối ưu và phù hợp với nhu cầu. Kể từ khi COVID-19 xuất hiện và gây ảnh hưởng đối với TMĐT, trong giai đoạn hậu COVID-19, lĩnh vực kinh doanh TMĐT cần có những giải pháp tốt hơn để đảm bảo chiến lược kinh doanh có hiệu quả.
4.1. Cải thiện hệ thống e-logistics
Mặc dù có nhiều bước trong qui trình hơn so với smart logistics nhưng mô hình e-logistics hiện đại được áp dụng công nghệ và chuyển đổi số nên tốc độ xử lý nhanh hơn, chính xác hơn và an toàn hơn trong bảo mật thông tin. Một trong những giải pháp được đề xuất đầu tiên là cải thiện hệ thống e-logistics thông qua việc cải thiện hệ thống công nghệ và thông tin trong các quy trình công việc cho tới kết hợp các đơn vị cung ứng dịch vụ phụ trợ thành chuỗi giá cung ứng dịch vụ e-logistics tổng hợp (Ho Thi Thu Hoa và Hans Dietrich Haasis, 2017).
4.2. Thay đổi cấu trúc kênh phân phối
Kênh phân phối cần được thiết kế sao cho có ít trung gian (TG) nhất, trung gian mới chính là e-logistics service hay e-logistics solution/platform ra đời để giải quyết những tác vụ mà TG cũ gây chậm trễ về thời gian và chi phí cao hơn cho người tiêu dùng cuối cùng (TDCC). TG mới cũng cần đạt được các yếu tố về công nghệ nhất định để đồng bộ với các giải pháp bán hàng TMĐT, như: đặt hàng, xử lý đơn hàng, phân loại, đóng gói và lập kế hoạch giao hàng, hay còn gọi là xây dựng hệ thống e-logistics B2B2C và tích hợp hệ thống các thành phần công nghệ thông tin (Chung, P., Yeh, R. C., và Chen, Y. C, 2015). (Xem Hình)
Quan trọng hơn là phát triển hệ thống trung tâm phân phối và giao hàng chặng cuối (last mile delivery). Đơn vị cung ứng dịch vụ e-logistics nên chia nhỏ các trung tâm phân phối ra nhiều quận huyện hơn, thay vì tập trung vào những trung tâm logistics lớn và quy mô lớn nhưng hạn chế về tuyến đường vận chuyển đi nhiều hướng khác nhau. Ngoài ra, giải pháp e-logistics mới cần có chức năng cao hơn về mặt đồng bộ hệ thống, tích hợp chức năng như: định vị và tự kiểm tra hàng lưu kho sẵn sàng gần nhất với địa chỉ giao hàng để đảm bảo chặng cuối được giao nhanh nhất; thiết lập hệ thống hộp nhận hàng (drop box system) để tránh được trình trạng người nhận hàng không có mặt dẫn tới phát sinh chi phí giao lần hai, lần ba (Pham, H. C., Nguyen, D., Doan, C., Thai, Q., và Nguyen, N, 2019); Linh hoạt sắp xếp giao hàng lại trong ngày ngay khi có thể để tránh chi phí trả hàng về kho, giảm tỷ lệ hàng chưa giao hay phàn nàn từ khách hàng (D.T. Phương, 2020).
4.3. Kết nối hệ thống trang thiết bị và phương tiện phục vụ e-logistics
So với thị trường E-commerce quốc tế thì thiết bị và phương tiện phục vụ dịch vụ e-logistics tại Việt Nam tương đối đơn giản, như: kho tổng, bưu cục phân phối các quận huyện, xe tải, xe van nhỏ hay là xe máy gắn thùng. Trong khi đó, các quốc gia phát triển có thể áp dụng thêm các kho tự động phân loại (auto sorting) và đóng gói hàng hóa cho tới các phương tiện công nghệ cao như robot giao hàng tự động, drone giao hàng trên không,… Chính vì vậy, giải pháp đề xuất là cần đồng bộ hóa tự động từ trung tâm logistics với hệ thống e-logistics (Nguyễn Xuân Quyết, 2021), tuy nhiên giải pháp nào cũng cần phù hợp với văn hóa giao thông và cơ sở hạ tầng của nước sở tại.
4.4. Nâng cao chất lượng dịch vụ sau bán hàng
Qui trình này được gọi là logistics ngược hay còn gọi là logistics thu hồi (reverse logistics) để xử lý những đơn hàng sau khi giao bị lỗi, sai sản phẩm cần đổi, thu hồi để sữa chửa, bảo hành hay tiêu hủy và tái chế. Ngay khi khách hàng phản hồi trên hệ thống, đơn vị giao hàng sẽ được thông báo tình trạng và phân bổ trên hệ thống nhân viên giao hàng gần nhất tới để tiếp nhận hàng (Nguyen Hoang Phuong, 2019).
5. Kết luận
Nghiên cứu được thực hiện dựa trên cơ sở tổng hợp thực trạng ngành E-logistics và phân tích những thách thức cũng như chỉ ra những ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19 cùng với các yếu tố đã tác động lên mối quan hệ giữa e-logistics và TMĐT. Từ đó, nghiên cứu tổng hợp thêm những giải pháp tối ưu hiện tại và đưa ra một số giải pháp mới nhằm thay đổi, cải thiện hệ thống dịch vụ e-logistics sao cho phù hợp với bối cảnh hiện tại, đem lại hiệu quả cạnh tranh hơn so với mô hình truyền thống.
Qua bài viết, tác giả kỳ vọng sẽ có nhiều nghiên cứu hơn về vai trò của chuỗi dịch vụ e-logistics hay hệ thống e-logistics hiện đại trong TMĐT để kịp thời kiến nghị những giải pháp mang tính định hướng và thực tiễn, giúp đóng góp cho ngành Logistics Việt Nam nâng cao vị thế cạnh tranh.
Nguồn: //mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM230992
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Chung, P., Yeh, R. C., và Chen, Y. C. (2015). Implementation of e-logistics systems for developing EC capability in small and medium-sized enterprises: A conceptual model. [Online] Avalabile at //www.ijeeee.org/vol5/381-JZ0116.pdf
2. CRCEB. (2020). The impact of covid-19 on logistics in Vietnam. [Online] Avalabile at //neu.edu.vn/Resources/Docs/SubDomain/crceb/B5-K%E1%BB%88%20Y%E1%BA%BEU%20H%E1%BB%98I%20TH%E1%BA%A2O%202-12.pdf
3. D.T. Phương. (2020). Last-Mile Logistics in Vietnam in Industrial Revolution 4.0: Opportunities and Challenges. Economics, Business and Management Research, 115, 172-176.
4. Đ.M. Nam, Đ.V. Dũng và T.T.T. Loan (2021), Doanh nghiệp E-logistics ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp. Truy cập tại //tapchicongthuong.vn/bai-viet/doanh-nghiep-e-logistics-o-viet-nam-thuc-trang-va-giai-phap 84327.htm
5. Ho Thi Thu Hoa và Han Dietrich Haasis. (2017). Improving Value Chain Through Efficient Port Logistics. Management Studies, 5(4), 321-335.
6. Hoàng Thị Hòa (2021), Ngành Logistics Việt Nam đứng trước những vận hội mới. Tạp chí Công Thương, // tapchicongthuong.vn/bai-viet/nganh-logistics-viet-nam-dung-truoc-nhung-van-hoi-moi-85983.htm
7. Lê Sáng (2021), Thách thức mới cho thương mại điện tử trong “bình thường mới”. Truy cập tại //diendandoanhnghiep.vn/thach-thuc-moi-cho-thuong-mai-dien-tu-trong-binh-thuong-moi-209318.html
8. Minh Ngoc Do, Nguyen Thi Dung và Tran The Tuan. (2021). The impact of COVID-19 pandemic on logistics firms in Vietnam. Proceedings of the International Conference on Research in Management & Technovation, 10 – 11 December (pp. 99-103). Hanoi University of Industry, Vietnam.
9. N.X. Quyết và T.T.N. Lan (2019). Nghiên cứu thực trạng dịch vụ hậu cần điện tử (e-logistics) tại thành phố Hồ Chí Minh. Tạp chí Khoa học Công nghệ và Thực phẩm, 19(2), 147-159.
10. Ngô Tân Vũ Khanh (2021), Thách thức với thương mại điện tử trong bối cảnh bình thường mới. Truy cập tại //vneconomy.vn/thach-thuc-voi-thuong-mai-dien-tu-trong-boi-canh-binh-thuong-moi.htm
11. Nguyễn Hoàng Tiến (2020), Thách thức đối với marketing dịch vụ thời hậu covid-19 tại Việt nam. Truy cập tại //www.researchgate.net/publication/342697947
12. Nguyễn Tiến Minh. (2021). Factors affecting logistics performance in e-commerce: Evidence from Vietnam. Uncertain Supply Chain Management, 9(4), 957-962.
13. Nguyen Hoang Phuong. (2019). A short communication on reverse logistics role in the supply chain. Information Management and Computer Science (IMCS), Zibeline International Publishing, 2(1), 10-14.
14. Pham, H. C., Nguyen, D., Doan, C., Thai, Q., & Nguyen, N. (2019). Last Mile Delivery As A Competitive Logistics Service – A Case Study. In International Conference on Operations and Supply Chain Management, Vietnam(P7).
15. Tuệ Mỹ (2021), e-Logistics: Doanh nghiệp còn gian nan để chuyển đổi số. Truy cập tại //vneconomy.vn/e-logistics-doanh-nghiep-con-gian-nan-de-chuyen-doi-so.htm
Droppii và giải pháp ứng dụng công nghệ E-logistics toàn diện
Droppii kết nối với nhiều đơn vị giao hàng để có chi phí vận chuyển tốt nhất cho khách hàng, hỗ trợ các cá nhân kinh doanh online.
Series livestream “Chat cùng Droppii” với chủ đề thứ nhất “Xu hướng logistics hỗ trợ cá nhân kinh doanh online” vừa lên sóng vào 19h30, ngày 20/6, trên fanpage Droppii và VnExpress.net. Chương trình có sự tham gia của anh Lương Văn Tín (Trưởng bộ phận Quản lý chuỗi cung ứng Droppii), anh Thái Hoàng Đạt (Quản lý Phát triển kinh doanh Giao Hàng Nhanh) và anh Lee Nguyễn (Đối tác kinh doanh với Droppii).
Thông qua buổi livestream, các khách mời cùng thảo luận về tình hình logistics nói chung và những bước tiến hỗ trợ cho các cá nhân kinh doanh online; chia sẻ những trăn trở về logistics khi kinh doanh online. Từ đó, đại diện của Droppii và Giao Hàng Nhanh đưa ra những giải pháp mà cả 2 thương hiệu đang cung cấp giúp giải quyết những vấn đề này.
Anh Thái Hoàng Đạt đã chia sẻ về bức tranh chung của ngành logistics trong nước và nước ngoài. Trong nước, thương mại điện tử Việt Nam là một trong những ngành trọng điểm thu hút tiềm lực đầu tư từ trong nước cho đến ngoài nước trước khi dịch Covid-19 diễn ra. Còn sau dịch, ngành thương mại điện tử Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực với quy mô dự kiến sẽ tăng gấp 3 vào năm 2025, gần 40 tỷ USD. Đối với nước ngoài, Đông Nam Á có hơn 370 triệu người dùng Internet tính đến tháng 1/2018. Trong khoảng một năm trở lại đây, có thêm 60 triệu khách hàng mới sử dụng Internet để thực hiện giao dịch online tại Đông Nam Á.
Đối tác kinh doanh với Droppii – anh Lee Nguyễn chia sẻ về những trăn trở nếu người kinh doanh online phải kiêm nhận cả khâu đóng gói và vận chuyển thì sẽ khó đem lại hiệu quả kinh doanh tốt vì không thể dành thời gian tư vấn tận tâm cho khách hàng. Theo đó, Droppii đưa ra bộ giải pháp, đó là nguyên liệu vật tư đóng gói của Droppii được chuẩn hóa cao nhất. Nghiệp vụ kiểm định quá trình sản phẩm đầu vào và đóng gói khắt khe, đảm bảo chất lượng đơn hàng. Droppii kết nối với nhiều đơn vị giao hàng để có chi phí vận chuyển tốt nhất cho khách hàng.
Anh Thái Hoàng Đạt cũng đưa ra những giải pháp bao gồm: tối ưu hóa vận hành từ 5 đến 6 tiếng giúp khách hàng nhận hàng sớm hơn một ngày. Đồng thời, tăng thời gian lưu kho, khi đơn hàng đã chờ xác nhận giao lại từ 24h lên 72h, giúp khách hàng kịp thời xử lý đơn, từ đó, tăng tỷ lệ giao thành công. Sử dụng hệ thống ZNS thông báo trạng thái đơn hàng cho người nhận thông qua Zalo. Người nhận hàng có thể đánh giá và phản hồi chất lượng dịch vụ thông qua vài lần chạm trên Zalo.
Từ những chia sẻ về thực trạng tình hình ngành logistics và đưa ra giải pháp, Droppii cũng tiết lộ định hướng phát triển từ năm 2022 đến năm 2025. Trong năm nay, Droppii sẽ hoàn thiện hai kho tổng là khu vực TP HCM và Hà Nội với dịch vụ giao hàng. Droppii Flash giao hàng 4h để đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách hàng.
Năm 2023, Droppii mở rộng kho liên tỉnh ở Đà Nẵng nhằm lưu trữ và giao hàng lạnh – giải pháp giúp các doanh nghiệp giảm bớt lượng thực phẩm bị hao hụt trong quá trình từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng. Droppii sẽ mở rộng thêm dịch vụ logistics tại thị trường quốc tế (Thái Lan, Campuchia…).
Năm 2024, Droppii tự động hóa tới 70% bằng cách ứng dụng các máy móc, thiết bị tự động nhằm cải tiến tính hiệu quả của hoạt động logistics. Dịch vụ giao hàng 4h giảm xuống còn 3h nhưng chất lượng vẫn được nâng cấp lên từng ngày để phục vụ cho khách hàng khi làm việc và mua sắm tại Droppii một cách tốt nhất.
Năm 2025, với mục tiêu đưa Droppii đi khắp năm châu, dịch vụ giao hàng liên quốc gia sẽ được phát triển vào thời điểm này. Ngoài những bãi kho tại thị trường trong nước thì tương lai, Droppii sẽ phát triển kho bãi tại tất cả chi nhánh ở thị trường quốc tế. Và bên cạnh dịch vụ 3h, 4h, giao hàng tiết kiệm, giao hàng nhanh… Droppii còn có nhiều dịch vụ vận chuyển khác để hỗ trợ giao hàng một cách tốt nhất và có thể giao hàng ở khắp mọi miền trong nước và quốc tế.
Kết thúc chủ đề thứ nhất, “Chat cùng Droppii” với chủ đề thứ hai “Xu hướng công nghệ hỗ trợ người kinh doanh online” sẽ tiếp tục lên sóng vào 19h30, ngày 4/7, với sự góp mặt của các khách mời giàu kinh nghiệm, bản lĩnh trong kinh doanh online. Theo dõi fanpage Droppii và VnExpress.net để cập nhật những thông tin mới nhất về series.
Thương hiệu Droppii được sở hữu bởi Công ty TNHH Dandelion Việt Nam ra đời với sứ mệnh trở thành nền tảng thương mại điện tử dành cho các sản phẩm tư vấn, kết nối nhà cung cấp, người bán trực tuyến và khách hàng cuối để việc kinh doanh online ngày càng đơn giản hơn. Đến nay, công ty đã thu hút hơn 65.000 người bán hàng trực tuyến có kỹ năng và kinh nghiệm phân phối hơn 135.000 SKU mỗi tháng. Với các danh mục đa dạng bao gồm bao gồm Sức khỏe, Làm đẹp, Gia dụng và Thời trang, Droppii đã và đang mang đến cho khách hàng trải nghiệm mua sắm hoàn chỉnh, dễ dàng, an toàn và tiếp tục thu hút sự chú ý của người.